Phương pháp giáo dục Reggio Emilia “phản bác” những quan điểm trong giáo dục mầm non hiện nay

Vài năm trở lại đây, sự du nhập của những phương pháp giáo dục hiện đại của thế giới về Việt Nam, đặc biệt là Reggio Emilia đã mang đến một “tuyên ngôn” mạnh mẽ. Suy cho cùng, các phương pháp giáo dục hiện đại đều có chung những hệ giá trị tư tưởng, phản bác lại những quan điểm phổ biến nhưng sai lệch trong hệ thống giáo dục truyền thống.

Hãy cùng Trường Hoà Bình – La Trobe tìm hiểu nhé!

Trẻ là học sinh, nhưng trước hết còn là một đứa trẻ!

Giáo dục mầm non truyền thống đã vô tình “vơ đũa cả nắm” mọi đứa trẻ với nhau. Quan điểm này biểu hiện thông qua những giáo trình giảng dạy cứng nhắc, hệ thống bài giảng “một chiều” áp dụng cho mọi học sinh, qua mọi thế hệ.  Bởi cách quan niệm về giáo dục khá cứng nhắc, nên mọi lộ trình được thiết kế “bài bản” đến mức không còn lắng nghe tiếng nói của từng học sinh. Và thế là, người lớn, từ phụ huynh tới thầy cô, quên mất mỗi đứa trẻ là một thế giới sinh động riêng, hay trẻ nhỏ cần được “hiểu” trước khi “dạy”, đặc biệt là ở những năm tháng đầu đời.

Phương pháp giáo dục Reggio Emilia đã phản bác lại quan niệm cũ kĩ ấy, dựa trên tình yêu thương, tính khoa học và nắm bắt tâm lý của mỗi đứa trẻ. Reggio Emilia quan niệm mỗi đứa trẻ đều có một màu sắc riêng, một tiềm năng riêng, biểu hiện qua hàng trăm ngôn ngữ và cảm xúc sống động mỗi ngày. Các bé có quyền được thầy cô lắng nghe nguyện vọng, khát khao tìm hiểu một vấn đề, tôn trọng loại hình thông minh và tư chất riêng có. Đó là lý do Reggio Emilia phát triển mỗi đứa trẻ dựa trên những dự án đa lĩnh vực do chính trẻ xây dựng, khởi xướng chỉ từ một thắc mắc vu vơ: “Cô ơi, tối qua con được ăn pizza phô mai rất ngon. Nhưng phô mai làm từ con gì ạ?”

Với Reggio Emilia, trẻ em được trao cơ hội tự chủ động khám phá thế giới

Tư duy sai lầm này đã mang đến biết bao đứa trẻ lớn lên chỉ rèn mình làm nhuần nhuyễn các môn khoa học trong khi chưa bao giờ biết mình thực sự thích gì. Đã bao giờ bố mẹ tự hỏi, đứa con với bảng điểm Vật Lí “thấp tẹt” của mình, thực ra sẽ là một đầu bếp đại tài hay chưa? 

Phương pháp giáo dục Reggio Emilia đưa học sinh – những đứa trẻ với tiềm năng cần được đánh thức – trở lại vai trò đúng đắn của mình. Học sinh chính là “trung tâm” của lớp học. Giáo viên chỉ là người đồng hành, khuyến khích và gợi cảm hứng cho các bé thông qua môi trường lớp học. Giáo viên cũng là cầu nối giữa phụ huynh và học sinh, một “người liên lạc”, để “tiếng nói” của con được lắng nghe thực sự. 

Vì thế, lớp học Reggio Emilia sẽ không có những thời gian biểu ngặt nghèo với Toán, tập viết, thủ công… Con sẽ là người chia sẻ với giáo viên những câu hỏi của mình, đó là khởi nguồn cho những dự án đầy lý thú mà con và bạn bè cùng trưởng thành sau khi thực hiện xong. 

Môi trường học tập của trẻ luôn sáng tạo, kích thích tư duy, tìm tòi

Đừng học cùng sách vở, hãy học cùng thiên nhiên

Dù muốn chấp nhận hay không, chúng ta vẫn phải nhìn thẳng vào thực tế: Trẻ con ghét sách vở. Chúng quấy khóc, chúng ngáp ngắn ngáp dài, chúng reo lên khi chuông báo giờ tập viết đã kết thúc. Thế nhưng, giáo dục truyền thống tại Việt Nam đã để con “ôm” sách vở từ khi nào? Cha mẹ luôn lo lắng con mình không kịp thuộc bảng chữ cái, không biết tính toán cộng trừ, và để con đi học những bài giảng khô khan từ mấy tuổi?

Nhà trường, giáo viên và học sinh là “cộng sự” của nhau trong lộ trình phát triển của trẻ

Lớp học của Reggio Emilia không có “ác mộng” sách vở, mà chỉ có “loose part”, những vật liệu mở, những mảnh rời rạc từ tự nhiên, như viên sỏi, chiếc lá, cành cây,… Tại lớp học của Hòa Bình La Trobe, 100% “loose part” phục vụ cho các dự án học tập của trẻ đều là đồ do chính các cô tự sáng tạo, những vật dụng do các con thu thập. Thông qua định hướng của giáo viên và khả năng sáng tạo không giới hạn của trẻ, những “loose part” không còn là vật thể vô tri vô giác mà “biến hình” thành bất cứ thứ gì trẻ nghĩ: một con khủng long, hòn đảo mộng mơ, bãi biển lấp lánh cát,…

Thông qua những dự án, trẻ được gián tiếp phát triển những nhận thức rõ ràng nhất về màu sắc, cảm thụ các chất liệu, số đếm, logic, hiểu biết xã hội,… tương đương sách vở, nhưng bằng một cách hấp dẫn hơn.

Có thể thấy, phương pháp Reggio Emilia là cơ hội để “bẻ lái” giáo dục mầm non tại Việt Nam trở về đúng “đường ray”: dạy những thứ con cần, theo cách con thích, bằng cách hiểu “ngôn ngữ” của con. Đó là lý do Trường Hoà Bình – La Trobe lựa chọn phương pháp Reggio Emilia làm kim chỉ nam để thực hiện sứ mệnh giáo dục của mình. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *