Một ngày làm việc với chuyên gia Reggio Emilia của giáo viên Hòa Bình – La Trobe – Hà Nội

Ngày 11/07/2019, Chuyên gia giáo dục Michelle Dinh Jones, Hiệu trưởng của trường mầm mon System Little House – Hà Nội đã có buổi đào tạo dành cho các giáo viên mầm non của Hòa Bình – La Trobe – Hà Nội. Là một người có kinh nghiệm lâu năm và dành nhiều tâm huyết cho ngành giáo dục mầm non, chuyên gia Michelle Dinh Jones đã có những chia sẻ vô cùng hữu ích cho đội ngũ giáo viên trẻ của Hòa Bình – La Trobe – Hà Nội, gợi mở cho các cô cách truyền cảm hứng cho trẻ học tập thông qua các hoạt động chơi bổ ích.


Chuyên gia Michelle cho rằng, ở độ tuổi mầm non thì việc nắm bắt và tạo cảm hứng rất quan trọng đối với con trẻ bởi nó giúp trẻ có động lực và tâm thế thoải mái để hoàn thành công việc. Với cùng một vấn đề phải giải quyết nhưng đặt nó trong trò chơi với các dụng cụ, câu chuyện thú vị sẽ khiến con trẻ hào hứng hơn rất nhiều so với một bài học sách vở đơn thuần.

Theo chuyên gia, ở độ tuổi mầm non thì việc nắm bắt và tạo cảm hứng rất quan trọng đối với con trẻ

Bằng một ví dụ từ chính kinh nghiệm giảng dạy thực tế của mình, Chuyên gia Michelle đã cụ thể hóa lý thuyết một cách hết sức sinh động. Cô đặt ra cho trẻ câu hỏi “Phô mai bắt nguồn từ đâu?” và chỉ gợi mở cho trẻ về cách thức làm phô mai mà không cung cấp ngay câu trả lời. Với những nguyên vật liệu sẵn có trong gian bếp, trẻ bắt đầu sáng tạo một cách đầy hào hứng món phô mai bằng cách bỏ các loại sôcôla, muối tiêu, trái cây và tương cà. Sau khi hoàn thành trẻ được gợi ý mang về cho cha mẹ để bình chọn loại phô mai nào ngon nhất. Tuy nhiên, một câu hỏi mà cô Michelle đặt ra cho trẻ ở đây là làm thế nào có thể tổng hợp được các bình chọn đó một cách đơn giản nhất. Sau khi suy nghĩ, trẻ đã lựa chọn các vật liệu trong lớp học là lego, đá, vỏ sò và lông vũ để bình chọn và nhóm nào trong số 4 vật liệu này nhận được nhiều bình chọn nhất tức là loại phô mai ngon nhất. Nhưng “bỏ phiếu” thế nào đây nếu cha mẹ cùng thích cả sôcôla và muối tiêu? Vậy là trẻ đã sáng tạo ra cách đặt muối tiêu và sôcôla tương ứng với 2 vòng tròn và khi ghép 2 phần này lại sẽ tạo ra một vòng tròn tức là một sự bình chọn duy nhất. Như vậy, tuy chỉ với một hoạt động chơi khá đơn giản với những vật liệu có sẵn nhưng trẻ học được rất nhiều điều bổ ích từ cách nấu ăn, tính toán, suy nghĩ logic, cách giao tiếp cũng như làm việc nhóm.

Chuyên gia Michelle đưa ra nhiều ví dụ thực tiễn sinh động về phương pháp giảng dạy

Theo kinh nghiệm của chuyên gia Michelle Dinh Jones thì thông qua các nguyên vật liệu mở là những bộ phận rời rạc như vỏ sò, lông vũ, lá cây… thì hoàn toàn có thể phát triển được khả năng tưởng tượng, óc sáng tạo, tư duy logic về sự vật ở trẻ. Qua mỗi hoạt động chơi và ở các nhóm chơi khác nhau, trẻ có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm để trưng bày. Điều này làm cho mỗi buổi chơi trở nên hấp dẫn hơn và có hiệu quả hơn với trẻ, giúp trẻ tư duy linh hoạt, nhìn nhận các sự kiện, hiện tượng trong cuộc sống một cách chính xác hơn.            

Hãy tin tưởng vào khả năng sáng tạo vô tận của trẻ; hãy tạo cho trẻ một môi trường học tập mở thông qua hoạt động chơi bổ ích, mang đến những trải nghiệm khác nhau để trẻ nhận biết về bản thân và thế giới một cách nhẹ nhàng là những kinh nghiệm quý báu mà chuyên gia Michelle Dinh Jones muốn gửi gắm đến các giáo viên mầm mon của Hòa Bình – La Trobe – Hà Nội.

Những dụng cụ trong góc học tập mở giúp trẻ phát triển tư duy

Cách giảng dạy phát triển tư duy của chuyên gia Michelle Dinh Jones cũng là một phần trong phương pháp Reggio Emilia mà Hòa Bình – La Trobe – Hà Nội đang mong muốn hướng đến cho các học sinh mầm non của mình. Phương pháp nhấn mạnh yếu tố chủ động, giúp trẻ tư duy, sáng tạo tối đa. Giáo viên chỉ đóng vai trò là người đồng hành, nắm bắt hứng thú và nhu cầu tìm hiểu của trẻ về sự vật và sự việc, sau đó lên kế hoạch cung cấp kiến thức cho trẻ, tạo môi trường gợi mở cho trẻ để trẻ tự tư duy.

Phương pháp Reggio Emilia cho phép trẻ được nói lên suy nghĩ của mình thông qua các hình thức biểu đạt khác nhau chứ không chỉ đơn thuần về mặt ngôn ngữ. Việc trao cơ hội cho trẻ, để trẻ tự tìm ra câu trả lời hay kết luận thông qua quá trình trải nghiệm sẽ giúp tri thức đến với trẻ một cách tự nhiên, giúp trẻ thoát khỏi lối mòn học tập bị động theo phương pháp truyền thống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *