7 nguyên tắc an toàn nhất định phải dạy con ngay từ nhỏ để kiểm soát rủi ro

Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ bị tổn thương, nhất là trong xã hội hiện đại luôn có những nguy hiểm rình rập như nạn bắt cóc, tai nạn giao thông… Do đó, cha mẹ cần đặc biệt chú trọng trong việc dạy trẻ những nguyên tắc an toàn cơ bản trong cuộc sống để phòng tránh các nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra.

1. Dạy con nhớ rõ thông tin liên lạc của gia đình

Đây là một trong những nguyên tắc hàng đầu mà cha mẹ cần dạy trẻ từ khi còn nhỏ để bé có thể ứng phó trong những trường hợp khẩn cấp hoặc khi bị thất lạc. Hằng ngày hãy nhắc đi nhắc lại số điện thoại của bố mẹ, người thân có thể tin cậy, địa chỉ gia đình, nơi làm việc của bố mẹ để trẻ ghi nhớ thật kỹ.

Ngoài ra, có một điều cha mẹ nên đặc biệt lưu ý là không viết tên trẻ lên các vật dụng cá nhân của con, đặc biệt là lên balo, cặp sách bởi đây là những vật dụng tạo cơ hội cho kẻ lạ tiếp cận với thông tin riêng tư. Điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm bởi khi kẻ xấu nắm được tên tuổi, thông tin sẽ chiếm được lòng tin của trẻ khi tiếp cận.

Bố mẹ không thể lúc nào cũng đi cùng với trẻ, do đó hãy dạy con những nguyên tắc an toàn cơ bản nhất để con tự bảo vệ mình

2. Dạy con phải biết giữ khoảng cách với người lạ

Ngay từ nhỏ cha mẹ nên dạy con nguyên tắc không trò chuyện với người lạ. Nếu có, cuộc trò chuyện kéo dài không quá 5-7 giây và không nhìn thẳng mắt của người đối diện. Trong khi cuộc trò chuyện diễn ra, trẻ nên đứng cách người lạ khoảng 2m và nhất định phải duy trì khoảng cách này. Nếu người lạ cố gắng tiến lại gần, trẻ phải lùi lại để đảm bảo an toàn. Tốt nhất hãy dạy trẻ rời đi chỗ khác và tìm tới một nơi an toàn có các nhân viên bảo vệ, cảnh sát giao thông… khi người lạ cố gắng tiếp cận.

3. Dạy con nguyên tắc “nói không” với người lạ

Con trẻ ngay từ nhỏ nên biết rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào không bao giờ được đi theo người lạ mà chỉ nên đi theo những người mà bố mẹ tin tưởng như ông bà, cô chú… Hãy dạy con rằng nếu có ai đó nói “Bố mẹ cháu nhờ cô đưa cháu đến chỗ mẹ ngay lập tức”,“Đi theo cô/chú. Cô/chú sẽ dẫn cháu đến chỗ bố mẹ”, hay một câu đại loại là muốn đưa con đi nơi khác thì con hãy hỏi ngay “Tên bố mẹ cháu là gì? Công tác ở đâu?” và tuyệt đối không được đi theo người lạ.

Đặc biệt, trong trường hợp người lạ bắt được con thì hãy ngay lập tức cắn, đá, cào, cấu và cố gắng thu hút sự chú ý của những người xung quanh bằng cách hét thật to: “Cháu không quen cô/chú này. Cô/chú đang muốn bắt cháu đi. Hãy cứu cháu”… để nhận được sự giúp đỡ của mọi người.

Con trẻ ngay từ nhỏ nên biết rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào không bao giờ được đi theo người lạ mà chỉ nên đi theo những người mà bố mẹ tin tưởng

4. Tránh đi chung thang máy với người lạ

Không ít trường hợp kẻ xấu tiếp cận khi trẻ đi một mình ở thang máy. Do đó, nếu trẻ buộc phải đi thang máy một mình thì hãy dạy trẻ chờ thang máy ở tư thế quay lưng lại tường để con có thể quan sát những ai đang tiến lại gần. Nếu thang máy chỉ có con và người lạ thì tốt nhất không vào chung thang máy với người đó.

Hãy dạy con rằng nếu một người lạ cố gắng lôi con vào thang máy tìm cách bịt miệng con thì con cần phải bình tĩnh, liên tục đánh, đấm, la hét, cắn cho tới khi người lớn tới giải cứu.

5. Không để người lạ biết bố mẹ đang đi vắng

Có nhiều trường hợp kẻ xấu thường tìm cách tiếp cận con trẻ khi bố mẹ đi vắng, do đó hãy dạy con nhất định không được mở cửa, dù chỉ hé một chút khi người đó không giới thiệu được mình là người thân quen. Ngoài ra, trẻ cũng không được phép để người lạ biết bố mẹ đang đi vắng, cho dù người lạ kia khẳng định mình là bạn với bố mẹ, nói rõ tên bố mẹ hoặc thông báo mình là thợ sửa chữa ống nước, điện thoại… Trong trường hợp một người lạ tỏ ra kiên trì và cố gắng đột nhập vào nhà thì trẻ hãy tìm sự trợ giúp của hàng xóm. Tốt nhất trong trường hợp bố mẹ đi vắng thì con nên chốt chặt cửa và không mở cửa cho những người không thân quen.

Trong trường hợp trẻ ở nhà một mình có người lạ tìm cách đột nhập thì hãy hướng dẫn trẻ cách tìm sự trợ giúp

6. Dạy con nguyên tắc an toàn khi con bị lạc

Nếu không may con bị lạc, hãy dạy con rằng con cần đứng yên một chỗ, tránh đi lại lung tung để người lớn có thể nhanh chóng tìm thấy con. Ngoài ra, cha mẹ hãy giải thích cho bé hiểu rằng, khi bị lạc phải bình tĩnh, không khóc thét lên, kẻ xấu sẽ phát hiện có thể dụ dỗ, dẫn trẻ đi mất. Nếu con bị lạc trong siêu thị, khu thương mại, hãy hỏi đường ra quầy lễ tân để nhờ trợ giúp gọi bố mẹ hoặc nếu ở những khu vực khác thì có thể nhờ sự giúp đỡ của những người mặc đồng phục, đeo bảng hiệu như cảnh sát, công an, nhân viên…. Đặc biệt đối với trường hợp trẻ lạc trong một khu vực hoang vắng thì hãy dạy trẻ cách giữ ấm cơ thể, cách tìm nước uống cũng như một chỗ trú ẩn an toàn, tránh thú dữ.

Có một phương pháp khá đơn giản để dạy trẻ kỹ năng này là gia đình có thể thực hiện đóng vai. Bạn hãy giả vờ trẻ đang bị lạc trên đường và yêu cầu trẻ thực hiện các kỹ năng mà bố mẹ đã dạy. Đây chính là cách giúp trẻ nhớ lâu hơn về tình huống giả định và không bị bỡ ngỡ khi tình huống thực xảy ra.

Trường hợp bé bị lạc là hoàn toàn có thể xảy ra, do đó cha mẹ hãy dạy con cách xử lý khi bị lạc để tránh cho trẻ bị hoảng loạn

7. Dạy con nguyên tắc an toàn trên đường phố

Trẻ nhỏ thường rất hiếu động do đó rất dễ gặp vấn đề về an toàn trên đường phố nếu không có người lớn đi cùng. Do đó, khi đang đi trên đường thì đừng để trẻ đi tự do mà phải luôn để mắt tới trẻ đồng thời dạy trẻ một số quy tắc cơ bản khi đi trên đường:

– Cố gắng không đi bộ dưới lòng đường

– Quan sát kỹ trước sau và hai bên trước khi sang đường. Chỉ sang đường khi thấy không có xe đang tiến đến.

– Không chạy nhảy, đùa giỡn khi đang đi trên đường

– Khi xuống xe phải đứng gọn ngay vào lề đường, vỉa hè

– Luôn đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy

– Dạy cho trẻ một số biển báo cơ bản cũng như tín hiệu đèn giao thông

Trẻ con thường rất hiếu động, do đó khi đi trên đường trẻ cần tuân thủ theo một số nguyên tắc nhất định

Ngoài 7 nguyên tắc an toàn nêu trên thì bố mẹ cũng nên ghi nhớ không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc hình ảnh của trẻ lên mạng xã hội, đặc biệt là ở chế độ công khai. Các thông tin về bản thân của trẻ nhất là trường học, nơi ở, số điện thoại khi được đăng tải trên mạng, website… sẽ là điều kiện để kẻ xấu có thể lợi dụng thông tin tiếp cận trẻ, từ đó gây nguy hiểm cho trẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *