3 kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mà cha mẹ nào cũng cần phải biết

Phải thừa nhận một thực tế rằng các bậc làm cha làm mẹ hiện nay thường quan tâm nhiều đến việc trang bị kiến thức cũng như thúc đẩy khả năng sáng tạo của bé mà quên mất rằng các kỹ năng sống cũng là một phần cực kỳ quan trọng trong hành trang đi tới tương lai của con trẻ.

Cuộc sống không đơn giản là việc trau dồi kiến thức mà đó còn là quá trình giải quyết một chuỗi các vấn đề phát sinh mà mỗi chúng ta không thể lường trước được. “Gieo hành vi, gặt thói quen”. Việc dạy trẻ các kỹ năng sống ngay từ khi còn nhỏ sẽ tạo nên một thói quen cũng như tư duy cho trẻ khi lớn lên. Tuy nhiên, việc dạy trẻ lứa tuổi mầm non các kỹ năng sống không phải là ép trẻ phải làm những cái mà người lớn muốn mà là dạy trẻ ý thức được những hành vi đúng, từ đó có cách ứng xử đúng đắn trong cuộc sống. Việc giáo dục kỹ năng cho trẻ sớm sẽ giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập với môi trường cũng như giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng nhất.

Tự thay đồ, tự rửa tay, vệ sinh cá nhân, cho quần áo bẩn vào máy giặt… là những kỹ năng cần dạy con trẻ từ nhỏ

1. Kỹ năng tự lập

Đây là một trong những kỹ năng rất quan trọng cần trang bị ngay từ khi trẻ còn học lớp mầm non. Trên thực tế, tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ… thì những trẻ nhỏ từ 3 tuổi đã biết tự mình sắp xếp đồ vật, chăm sóc bản thân. Việc cho trẻ sớm tham gia vào những công việc phù hợp như: tự thay đồ, tự rửa tay, vệ sinh cá nhân, sắp xếp, dọn đồ chơi sau khi chơi xong, dọn phòng của mình, bỏ rác đúng nơi quy định… không chỉ giúp giảm tải thời gian cho cha mẹ mà quan trọng hơn là dạy trẻ cách tự lập. Ngoài ra, khi trẻ biết nấu những món ăn đơn giản khi ở nhà một mình, biết phân biệt những đồ ăn nào có thể ăn, biết tự đi đến trường… sẽ là cơ sở để cho bé có thể hòa nhập tốt hơn với môi trường xung quanh.

Thực tế ở Việt Nam, việc bao bọc quá nhiều cho con trẻ, làm thay giúp trẻ các công việc cá nhân vô hình trung lại khiến cho khả năng độc lập, tự giác của trẻ kém hơn. Trẻ sẽ phụ thuộc và ỉ lại hoàn toàn vào cha mẹ và hệ quả sau này không trở thành một con người tự lập, chủ động trong cuộc sống. Do đó, nếu bạn yêu con hãy dạy con kỹ năng tự lập, tìm hiểu và làm quen với các công việc hằng ngày ngay từ khi còn nhỏ.

Trẻ tự lập sẽ không ỉ lại bố mẹ mà muốn tự mình giải quyết vấn đề

2. Kỹ năng giao tiếp

Một đứa trẻ lớn lên có thành công hay không một phần cũng nhờ kỹ năng giao tiếp tốt. Tuy nhiên, trên thực tế thì so với việc trang bị kiến thức thì kỹ năng này chưa được cha mẹ chú trọng rèn giũa cho trẻ. Ở giai đoạn đầu, trẻ có thể giao tiếp qua cử động tay chân, qua biểu cảm ánh mắt, qua tiếng khóc… Lớn hơn, kỹ năng giao tiếp của trẻ được hình thành và hoàn thiện dần qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động.

Dạy con kỹ năng giao tiếp là giúp trẻ biết thể hiện bản thân và diễn đạt ý tưởng của mình cho người khác hiểu và hình thành thói quen cảm ơn, xin lỗi, biết nói lời hay ý đẹp, biết san sẻ, quan tâm, yêu thương đến người xung quanh.

Hiện nay, trong phương pháp giáo dục sớm như Reggio Emila, trẻ cũng sẽ được phát triển các kỹ năng này thông qua làm việc nhóm cũng như tương tác với môi trường xung quanh.

Các hoạt động nhóm sẽ giúp trẻ tăng cường kỹ năng giao tiếp hiệu quả

3. Kỹ năng bảo vệ bản thân

Đứng trước các rủi ro, đa phần các bậc cha mẹ đều mong muốn hạn chế hoặc tìm cách nghiêm cấm con tiếp xúc. Việc chỉ nghiêm cấm mà không giải thích lý do cũng như giáo dục cho trẻ hiểu lại càng kích thích trí tò mò, muốn khám phá trong trẻ. Ngoài ra, có những rủi ro có thể tiềm ẩn ngay trong đời sống thường ngày mà cha mẹ không thể lường hết được. Do đó, dạy con kỹ năng tự bảo vệ bản thân ngay từ lứa tuổi mẫu giáo là điều cần thiết. Đó có thể là kỹ năng biết phân biệt nguy hiểm, biết xử lý khi bị ngã, bị bỏng, bị lạc đường hay cách xử trí khi bị bỏ quên trên xe ô tô…

Mới đây nhất là câu chuyện cho thấy tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sinh tồn dành cho trẻ. Một bé trai tên Kolya, 3 tuổi ở Nga sống sót kỳ diệu sau 2 ngày lạc một mình trong rừng rậm đầy gấu, chó sói, nhiệt độ ngoài trời xuống chỉ còn 5 độ C. Khi được hỏi làm thế nào để có thể tồn tại được khi bị lạc đường, Kolya đã trả lời “Cháu chỉ nghĩ là không di chuyển sẽ không bị mất sức, mất nước và mất phương hướng. Như vậy chỉ làm cho tinh thần hoảng loạn và dễ gặp tai nạn hơn. Thế nên cháu trốn vào hốc đá và ngủ”.

Hãy dạy trẻ khám phá thiên nhiên và những kỹ năng bảo vệ bản thân cần thiết

Trên đây là top 3 kỹ năng sống cần thiết giáo dục cho trẻ ở lứa tuổi mầm non mà cha mẹ cần quan tâm. Việc giáo dục kỹ năng sống cùng với phát triển tư duy, sáng tạo cũng chính là những điểm mạnh của phương pháp giáo dục Reggio Emilia đang được áp dụng tại trường Hòa Bình – La Trobe – Hà Nội.

Thông qua việc thực hiện các dự án, dưới sự định hướng và gợi mở của các cô giáo, trẻ sẽ học được kỹ năng giải quyết vấn đề, tạo thói quen giao tiếp, làm việc nhóm tốt cũng như phát triển khả năng sáng tạo tiềm năng. Trẻ có thể tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên thông qua các hoạt động chơi có chủ đích, điều này sẽ giúp trẻ say mê học hỏi, tìm tòi và khám phá thay vì nhồi nhét kiến thức như cách giáo dục truyền thống. Các kỹ năng sống của trẻ cũng sẽ dần được hoàn thiện thông qua các buổi học và thực hành bổ ích.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *