Khi trẻ được tham gia vào phương pháp giáo dục sớm theo cách tiếp cận Reggio Emilia thì việc học hành của con trẻ sẽ chuyển thành một tổ hợp thống nhất giữa cha mẹ – trẻ – giáo viên, trong đó giáo viên đóng vai trò là người đồng hành, gợi mở cho trẻ mà không mang tính áp đặt.
1. Giáo viên như một người bạn, người hướng dẫn, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ khám phá chính mình
Phương pháp Reggio Emilia muốn tạo ra một môi trường học tập cho trẻ dựa trên yếu tố tôn trọng và tin tưởng vào tiềm năng vốn có của trẻ. Vậy nên trẻ cần phải có một người hướng dẫn, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ khám phá chính mình một cách tận tâm. Người đó không ai khác là những giáo viên, giúp sắp xếp và dẫn dắt lớp học dựa trên sự quyết định của trẻ. Giáo viên cũng chính là người luôn khuyến khích và động viên trẻ trong suốt quá trình học.
2. Giáo viên chỉ là người gợi mở và không đưa ra câu trả lời giúp trẻ
Giáo viên không phải là người truyền đạt kiến thức một cách máy móc theo phương pháp truyền thống mà đóng vai trò là người quan sát, lắng nghe và tạo mọi cơ hội cho trẻ tìm hiểu khám phá thế giới xung quanh, từ đó làm tăng trí tưởng tượng phong phú của trẻ.
Trong quá trình học, giáo viên chỉ là người gợi mở, định hướng mà không đưa ra câu trả lời cho trẻ. Điều này sẽ kích thích trẻ chủ động hơn trong việc tìm ra câu trả lời cho chính mình.
3. Giáo viên tập hợp, giải thích và phản ánh dựa trên những thông tin cụ thể về việc học tập của trẻ
Dựa trên những thông tin về học sinh, giáo viên có thể tác động một cách chủ động và tích cực vào quá trình học tập bằng cách xây dựng những chương trình học, những hoạt động khiến cho trẻ cảm thấy hứng thú, kích thích hoặc được thử thách. Đồng thời giáo viên sẽ có những đánh giá liên tục về sự phát triển của trẻ cũng như sự phù hợp và hiệu quả của chương trình học tập dựa vào những tư liệu đã được ghi chép cụ thể.
4. Giáo viên phải là những người đồng hành, thực hiện tốt vai trò quan sát và ghi nhận (lưu lại) quá trình học tập của trẻ
Trong phương pháp Reggio Emilia, giáo viên được coi như người đồng hành, nắm bắt hứng thú và nhu cầu tìm hiểu của trẻ về sự vật và sự việc, sau đó lên kế hoạch cung cấp kiến thức cho trẻ, các hoạt động liên quan cho trẻ tương tác, nhằm mang lại sự thấu hiểu những giá trị cốt lõi về vấn đề mà trẻ đang rất quan tâm. Giáo viên chính là người tạo tiền đề để xây dựng một môi trường đúng nghĩa để trẻ phát triển trong sự tin tưởng và tôn trọng.
Đặc biệt, giáo viên đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa: gia đình – giáo viên – trẻ. Sự trao đổi thông tin về sở thích, thói quen của trẻ ở nhà và những biểu hiện thói quen, hành vi của trẻ ở trường giữa giáo viên và gia đình góp phần rất quan trọng trong việc phát triển và hình thành nhân cách của trẻ.