Cụm từ “Con nhà người ta” luôn được cha mẹ sử dụng như một câu cửa miệng khi so sánh con cái. Nó là một thế lực vô hình nhưng có sức mạnh còn ghê gớm hơn cả tỉ phú Bill Gates hay tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Con nhà người ta” lúc nào cũng bí ẩn nhưng hoàn hảo vô cùng
Dạo qua một vòng facebook sau khi kết thúc năm học là hình ảnh cha mẹ nô nức khoe ảnh con nhận phần thưởng, khoe giấy khen, khoe danh hiệu xuất sắc. Đây được coi như một “thói quen” của không ít phụ huynh trong “cuộc chạy đua” con giỏi, con ngoan. Thế nhưng đây vô tình lại trở thành gánh nặng cho con cái khi bị đặt áp lực và kỳ vọng quá lớn, đặc biệt là việc liên tục đặt lên bàn cân so sánh với các con nhà người ta thế này thế kia.
Và đến nay, nhân vật “con nhà người ta” vẫn là một điều bí ẩn, không có tên gọi rõ ràng, không có thông tin cha mẹ mà chỉ đơn giản tồn tại là cái cân để cha mẹ so sánh. Việc quá khát khao, kỳ vọng vào con cái khiến bố mẹ chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn, luôn muốn con mình giỏi hơn nữa và không được phép thua bạn kém bè. Các phụ huynh thường không nhìn nhận được sự khác biệt, điểm nổi trội của con cái để từ đó giúp con phát huy tố chất và khả năng. Họ không biết rằng chính con cái mình cũng có những tài năng rất riêng, những tư chất rất riêng mà nhiều phụ huynh khác cũng ao ước con họ có được điều đó.
Các bậc phụ huynh thường cố tình hoặc vô tình so sánh con cái của họ với những đứa trẻ khác và sử dụng con cái của người khác để giáo dục con cái mình. Chắc hẳn bạn đã từng bị cha mẹ so sánh với những câu đại loại như “Bằng tuổi con mà con cái nhà người ta giỏi giang như thế đấy”, “Con thấy con nhà người ta chưa”, “rồi thì “con nhà người ta vừa học giỏi lại có năng khiếu nghệ thuật”…
Rất nhiều sự so sánh được đặt ra chủ yếu để thỏa mãn cái tôi và sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ và đôi khi cũng bởi sự “đẹp mặt” với bạn bè, đồng nghiệp.
Việc đem con cái của mình ra so sánh với “con nhà người ta” không những làm con trẻ cảm thấy mệt mỏi, áp lực mà còn khiến cho con ngại tương tác với mọi người hơn. Thay vì khuyến khích và tạo động lực cho con thì cha mẹ lại vô tình khiến con trở thành những đứa trẻ rụt rè, tự ti về chính khả năng của mình, thậm chí là trầm cảm và tự kỷ. Trẻ sẽ thường có xu hướng thiếu tự tin về bản thân, về năng lực của mình không bằng người khác, không thể phát huy hết khả năng mình vì nghĩ mình nỗ lực cách mấy cũng không bằng người khác, dần dần chúng sẽ giống những cỗ máy lặp lại hành động của người khác mà mất đi sự sáng tạo vốn có của chính mình. Nếu chính bản thân con trẻ không tự tin rằng mình giỏi thì làm sao có thể cố gắng và đạt được những thành tích như sự kỳ vọng của cha mẹ. Thậm chí khi bị so sánh, chúng sẽ sinh ra đố kị giữa con mình và “con nhà người ta, trở nên bất cần, hung hăng và có ý định phản kháng lại lời nói và hành động của cha mẹ.
Đừng làm tổn thương con cái bằng cụm từ vô nghĩa “con nhà người ta” nữa
Mọi so sánh đều là khập khiễn nên xin cha mẹ đừng làm tổn thương con vì những phép so sánh khập khiễng và không hề công bằng với con nhà người ra bởi đôi khi chỉ những lời nói đó vô tình lại có sức sát thương lớn, làm tổn thương đến tâm hồn của con trẻ, đặc biệt là đối với con cái ở lứa tuổi teen – lứa tuổi rất nhạy cảm với những lời nói và hành động của những người xung quanh.
Trên thực tế, điều kiện gia đình khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, xuất phát điểm khác nhau và sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái ở mỗi gia đình cũng khác nhau. Một ví dụ đơn giản là đối với một gia đình có điều kiện, con cái được học hành ở những trường tốt, được học hành những môn năng khiếu, đàn nhạc, hội họa, thể thao, được tiếp cận với những cái mới, hiện đại thì xuất phát điểm sẽ khác hẳn so với những em thiếu thốn về vật chất và tinh thần. Nếu cha mẹ cứ mải chạy theo những tiêu chuẩn của người khác thì làm sao tìm ra được con đường phù hợp và đúng đắn cho con? Do đó, thay vì nhìn vào những điểm yếu để chê trách con thì hãy tìm ra những điểm mạnh của con, giúp con phát huy cũng như uốn nắn con khi con lầm đường lạc lối.
Ngoài ra, đã bao giờ cha mẹ nhìn lại chính mình để làm tấm gương sáng cho con cái hay chưa? Đừng đặt kỳ vọng quá nhiều về con nếu như bản thân mình không gương mẫu, không dành thời gian và công sức để chăm sóc, nuôi dạy con cái. Cha mẹ cũng cần không ngừng cải thiện bản thân để nhận được sự tôn trọng của con cái, cùng trau đồi và cùng tiến bộ với con cái. Hãy khích lệ con thay vì chì chiết khi con không đạt được điểm cao hay khi con mắc lỗi. Sự quan tâm và động viên kịp thời của cha mẹ chính là động lực giúp cho con cảm thấy tự tin hơn và phát huy được những phẩm chất tốt đẹp nhất của bản thân.