Muốn cho con tự tin, cha mẹ không nên tiết kiệm lời khen đối với con mỗi khi con làm đúng hoặc hoàn thành tốt một việc. Tuy nhiên, khen như thế nào để con cảm thấy phấn chấn cũng như muốn cố gắng hơn thì đó là điều cha mẹ nên quan tâm.
Đối với con cái, đặc biệt là lứa tuổi mầm non và tiểu học, việc ba mẹ khen ngợi hay trách mắng trẻ là một cách để trẻ nhận thức được hành động nào nên làm và hành động không nên làm. Điều đó còn có tác động thúc đẩy và khuyến khích trẻ làm được nhiều điều tốt hơn nữa. Cha mẹ không nên coi tất cả những việc mà trẻ làm được là điều đương nhiên. Đôi khi một lời khen còn tuyệt vời hơn cả những món đồ chơi hay những bộ quần áo mới đối với trẻ.
1. Không tán dương con quá mức
Những lời tán dương, lời khen tung hứng trẻ lên tận mây xanh như “Con giỏi quá”, “con cực kỳ thông minh”, “con xuất sắc nhất” thực sự không có giá trị nhiều trong việc giáo dục trẻ. Ban đầu trẻ có thể cảm thấy thích thú với những lời khen như vậy nhưng điều này vô tình cũng khiến trẻ cảm thấy mình đặc biệt và không cần cố gắng quá nhiều. Cũng có những trường hợp thì ngược lại, việc khen ngợi quá mức tạo nên áp lực cho trẻ, đặc biệt là khi trẻ đã quen với việc tán dương, việc tiếp nhận lời khiển trách hay góp ý thực sự là việc không hề dễ dàng. Khi lớn lên nếu không thành công thì chúng có thể thấy thất vọng về bản thân mình.
2. Không nên khen phẩm chất của con mà khen qua cử chỉ, hành động
Thay vì khen con thông minh, giỏi giang thì cha mẹ có thể đề cập đến cảm xúc của mình và tập trung khen ngợi về những việc làm mà trẻ thực hiện được, ví dụ như “mẹ thấy rất vui vì con đã biết giúp đỡ cha mẹ” “Mẹ thấy hôm nay con có sự cố gắng và nỗ lực rất nhiều”, “Bố thấy nếu con cứ cố gắng thì sẽ làm được thôi…” Hoặc đôi khi, chỉ cần một nụ cười, một ánh mắt trìu mến khi con hoàn thành công việc cũng là một cách khen ngợi cực kỳ hiệu quả và cho thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến những công việc mà trẻ đang cố gắng hoàn thành và giúp trẻ cảm thấy an tâm hơn. Đặc biệt, đối với lứa tuổi mầm non, khả năng ngôn ngữ còn hạn chế thì trẻ lại càng nhạy cảm hơn đối với những hành động và cử chỉ của bố mẹ.
3. Không khen vào kết quả cuối cùng mà khen vào quá trình
Khen điểm số cao, khen thành tích của con quá nhiều không phải lúc nào cũng tốt bởi điều này sẽ tạo cho trẻ chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng mà không có sự nỗ lực cho cả quá trình. Nếu bạn muốn trẻ luôn cố gắng trong cả một hành trình thì hãy khen những nỗ lực từng ngày của trẻ, mỗi ngày từng chút một nhưng cũng đủ cho trẻ cảm thấy tự tin hơn vào bản thân và cố gắng rèn luyện tốt hơn.
Với những bé mầm non đã nhận biết được cảm xúc của người xung quanh thì việc khen con càng cần được cụ thể hóa. Như khi trẻ giúp bạn những việc lặt vặt như bỏ quần áo bẩn vào máy giặt, lấy giùm mẹ một vật gì đó thì hãy mỉm cười và nói “cám ơn con”. Chỉ những lời nói đơn giản vậy thôi nhưng sẽ giúp trẻ hiểu rằng những nỗ lực của con khi thực hiện việc gì đó mới khiến mọi người để tâm và đánh giá nhiều nhất. Nhờ vậy trẻ sẽ chú trọng và tiếp tục nỗ lực hơn để được người lớn công nhận, ngợi khen.
4. Không nên khoe con với tất cả mọi người
Con cái là báu vật của cha mẹ và thành tích của con cái luôn mang đến niềm vui bất tận cho cho mẹ. Do đó, có không ít phụ huynh thường tự hào khoe thành tích của con với tất cả mọi người. Điều này cũng có điểm tốt là tạo động lực, khuyến khích cho con trẻ tiếp tục cố gắng, phấn đấu. Tuy nhiên, việc tự hào thái quá, thậm chí thành mốt hơn thua giữa các phụ huynh lại vô tình tạo áp lực cho con cái, trẻ dễ có tư tưởng trọng điểm số rồi cố gắng học vì điểm để vừa lòng bố mẹ. Khi không đạt được thành tích thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ, dẫn đến các hành động tiêu cực mà phụ huynh không thể lường trước được.
Trên đây là 4 điều mà cha mẹ nên nhớ khi muốn khen ngợi con cái. Bên cạnh đó, đừng quên rằng việc chì chiết, so sánh cũng là yếu tố khiến cho trẻ bị mất tự tin trong học tập và cuộc sống. Có một câu cửa miệng mà các cha mẹ thường hay nói đó là “Con nhà người ta như thế này… thế kia”. Tuy nhiên, câu nói này lại là nỗi sợ vô hình đối với mỗi đứa trẻ. Sự so sánh khập khiễng đôi khi lại phản tác dụng, khiến cho con trẻ cảm thấy tự ti về bản thân, cảm thấy bất lực, thua kém bạn bè và không còn động lực cho sự cố gắng.
Khen ngợi thì không khó những khen như thế nào để trẻ cảm thấy thoải mái và phấn khởi, luôn có động lực thì không phải cha mẹ nào cũng có thể làm được. Khen ngợi con đúng cách chính là việc gieo hạt giống tâm hồn nuôi dưỡng trẻ, giúp con tự tin hơn trong cuộc sống nhưng không bị tự mãn, tự kiêu về bản thân. Điều này đặc biệt cực kỳ quan trọng đối với những năm tháng đầu đời của con trẻ.