Những em bé năng động không chỉ luôn vui vẻ, tràn đầy năng lượng mà còn có sức khỏe tốt, có sức truyền cảm hứng đến tất cả mọi người và đặc biệt là tự học được những kỹ năng sống tuyệt vời. Bài viết dưới đây sẽ bật mí 5 cách dạy con năng động hơn.
1. Hãy để con vận động thật nhiều, đặc biệt là cho con tham gia các hoạt động ngoài trời
Khi rảnh rỗi, hãy để trẻ được tự do vận động ở những nơi an toàn thay vì ngồi trong nhà với những thiết bị điện tử hại mắt. Bạn có thể tận dụng mọi không gian xanh của nhà bạn, công viên để trẻ có thể leo trèo, chơi đùa, đạp xe hoặc chơi các môn thể thao vừa sức.
Nếu như có các tác động khách quan nào như thời tiết xấu, bé đang ốm khiến việc cho con ra ngoài chơi sẽ không thể thực hiện được thì bạn hãy mở những bài nhạc vui vẻ để con nghe và nô đùa, nhảy nhót, có thể từ đó bạn sẽ khám phá ra được bé có năng khiếu âm nhạc, múa hoặc kể chuyện nào đó mà bình thường sẽ khó có thể phát hiện được đấy.
2. Cha mẹ phải luôn cùng con vận động
Chắc các bạn cũng biết những việc cha mẹ làm đều ảnh hưởng đến con, do đó nếu muốn con vận động nhiều thì cha mẹ cũng nên tham gia các hoạt động nhiều hơn và nguyên tắc là luôn luôn vận động cùng con. Bạn có thể vận động cùng còn như đi bộ ở quãng đường ngắn hay chịu khó cho trẻ đi chơi, khám phá thiên nhiên hay tham gia các trò chơi ngoài trời. Ngay cả khi chơi cùng con, bạn cũng có thể làm những động tác cơ thể để gợi mở sự tương tác cho con càng nhiều càng tốt.
3. Khuyến khích trẻ chơi cùng các bạn khác
Không có gì thú vị hơn là có bạn bè cùng khuyến khích trẻ hoạt động như bơi lội, thể thao, âm nhạc, chơi trò chơi… Điều này không chỉ khiến con năng động qua sự giao tiếp với các trẻ nhỏ khác mà còn là cách tuyệt vời để rèn luyện kỹ năng sống cho con.
4. Cho bé tham gia những khóa học bổ ích
Khuyến khích trẻ tham gia các lớp học ngoại khóa như âm nhạc, võ thuật, mỹ thuật, kỹ năng sống là những cách giúp cho bé trở nên năng động hơn. Tuy nhiên, hãy lưu ý trước khi đăng ký bất kỳ một khóa học nào thì bạn cũng nên tìm hiểu kỹ xem có hợp với con mình hay không, có được con mình thích thú và đón nhận hay không nhé.
5. Hãy tạo thói quen cho trẻ
Đối với lứa tuổi mầm non thì đây là độ tuổi vàng để bạn lên kế hoạch xây dựng một thói quen hoạt động hàng ngày cho chúng, đó có thể là việc đi học, vệ sinh cá nhân, tham gia các lớp học, các sự kiện ngoài trời. Những buổi đi bộ sau khi hoàn thành xong bài tập về nhà hoặc dắt cún đi dạo sau một ngày đi học cũng giúp trẻ vận động nhiều hơn. Một khi thói quen vận động một cách lành mạnh được hình thành từ khi chúng còn bé thì rất dễ dàng cho chúng tiếp tục duy trì điều đó khi trưởng thành và giúp cho trẻ trở nên năng động, yêu thích thiên nhiên nhiều hơn.